1. Xâm phạm chỗ ở của người khác bị phạt thế nào?
Do việc xâm phạm chỗ ở người khác là hành vi vi phạm pháp luật nên tuỳ vào tính chất, mức độ vi phạm… mà người có hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác có thể bị xử lý cụ thể như sau:
1.1 Bị xử phạt vi phạm hành chính
Hiện nay, không có mức phạt cụ thể, rõ ràng về hành vi xâm phạm chỗ ở người khác tuy nhiên, căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, việc xâm phạm chỗ ở của người khác có thể được xem là vi phạm quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân bởi cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
Do đó, người vi phạm có thể phải chịu xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi sau đây:
STT Hành vi Mức phạt vi phạm hành chính Căn cứ
1 Tự ý xông vào nhà người khác hoặc bằng cách hành vi khác để xâm phạm chỗ ở của người khác mà pháp luật không cho phép để đòi nợ 20 - 40 triệu đồng Điểm d Khoản 5 Điều 12
2 Tự ý xông vào nhà người khác để cưỡng đoạt tài sản mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc vào nhà người khác khi không được phép mà huỷ hoại, đâp phá đồ đạc của người đó và làm hỏng tài sản trong nhà của người đó… 03 - 05 triệu đồng Khoản 2 Điều 15
Như vậy, tuỳ vào mục đích khi xâm phạm chỗ ở của người khác, người vi phạm có thể bị phạt từ 03 - 05 triệu đồng hoặc nặng hơn có thể bị phạt hành chính từ 20 - 40 triệu đồng.
1.2 Chịu trách nhiệm hình sự
Mặc dù không có quy định cụ thể về xử phạt hành chính việc xâm phạm chỗ ở người khác nhưng tại Điều 158 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 có Tội xâm phạm chỗ ở của người khác.
Theo đó, khi xâm phạm chỗ ở của người khác bị xử lý hình sự thì người vi phạm có thể phải đối mặt với mức án phạt tù:
Mức phạt Hành vi
Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù 03 tháng đến 02 năm - Khám xét chỗ ở người khác trái luật
- Đuổi người khác ra khỏi chỗ ở của họ trái luật
- Chiếm giữ/cản trở người đang ở hoặc đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ trái luật
- Xâm nhập vào chỗ ở của người khác trái luật
01 năm - 05 năm tù Phạm tội có tổ chức hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình hoặc phạm tội 02 lần trở lên hoặc làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 - 05 năm
2. Trường hợp nào được khám xét chỗ ở người khác?
Chỗ ở của người khác là một trong những quyền riêng tư của cá nhân. Do đó, tự ý vào nhà người khác mà không được cho phép là một trong các hành vi vi phạm pháp luật.
Bởi theo Điều 22 Hiến pháp năm 2013, mọi công dân đều có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Do đó, không một ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Riêng trường hợp khám xét chỗ ở thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, đây cũng là khẳng định được nêu tại Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, không ai được xâm phạm trái pháp luật về chỗ ở của cá nhân. Việc khám xét chỗ ở chỉ được thực hiện theo đúng quy định được nêu tại Luật này.
Cụ thể, căn cứ Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan có thẩm quyền được khám xét chỗ ở của người khác khi có căn cứ:
- Nhận định trong chỗ ở của cá nhân đó có công cụ, phương tiện phạm tội hoặc tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc các đồ vật khác có liên quan đến vụ án.
- Khi phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
Khi đó, việc khám xét chỗ ở cần phải đảm bảo các điều kiện nêu tại Điều 195 Bộ luật Tố tụng hình sự gồm:
- Phải có mặt của người có chỗ ở bị khám xét hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở và đại diện chính quyền địa phương cấp xã và người chứng kiến.
Nếu người có chỗ ở bị khám xét hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác mà không có mặt thì có thể hoãn việc khám xét chỗ ở. Nếu không thể trì hoãn việc khám xét thì phải có đại diện chính quyền cấp xã và hai người chứng kiến.
- Không khám xét chỗ ở vào ban đêm trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do khám xét vào ban đêm vào biên bản.
- Trong quá trình khám xét chỗ ở, người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi khám xét, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với người khác cho đến khi thực hiện xong việc khám xét.
Như vậy, ngoài trường hợp được luật quy định được phép thì việc tự ý vào nhà người khác chính là xâm phạm chỗ ở người khác.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 118.589
Trong năm: 17.457
Trong tháng: 15.525
Trong tuần: 6.869
Trong ngày: 449
Online: 16