Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân không đốt rơm rạ trên đồng ruộng, áp dụng các biện pháp thu gom, làm thức ăn cho gia súc hoặc làm phân hữu cơ hoặc sử dụng chế phẩm phân hủy gốc rạ để tạo dinh dưỡng, phân bón cho đồng ruộng.

   
           Đốt rơm rạ là hoạt động diễn ra hằng năm, lặp đi lặp lại sau mỗi mùa vụ của người nông dân từ bao đời nay. Theo quan niệm xưa, việc đốt đồng mang lại nhiều lợi ích như: đỡ tốn công và chi phí xử lý rơm rạ, tiêu diệt được mầm mống dịch hại và một phần cỏ dại tồn tại trên đồng ruộng. Ngoài ra, đốt rơm rạ còn tạo ra một lượng tro làm phân bón trả lại cho đất.
          Tuy nhiên trên thực tế, việc này “lợi ít, hại nhiều”, việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng đã gây ra những tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với những lợi ích mà nó mang lại cho đồng ruộng. Việc đốt rơm rạ vừa lãng phí nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, thậm chí làm thoái hóa đất canh tác. Thật vậy, ô nhiễm môi trường từ việc đốt rơm rạ là vô cùng nghiêm trọng. Thành phần chủ yếu của rơm rạ là chất xenlulozơ, hemixenlulozơ và các chất hữu cơ kết dính… khi đốt cháy sẽ tạo ra các loại khí độc CO, CO2, NO2, SO2, … và hàng trăm hợp chất có hại khác thải vào bầu khí quyển, khi con người hít vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, nguy cơ gây ung thư phổi. Mặt khác, khi rơm rạ bị đốt thành tro thì chất hữu cơ biến thành chất vô cơ, làm mất cân bằng dinh dưỡng của đất, khiến cho đất ruộng bị chai cứng, khô cằn đồng thời tiêu diệt các loại thiên địch có ích, dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh hại lúa. Nghiêm trọng hơn, việc đốt rơm rạ trong thời tiết nắng nóng sẽ khiến bầu không khí thêm oi bức, khó chịu, gây cảm giác ngạt thở, ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ, chết người. Vào những ngày thời tiết âm u, trời ẩm hoặc đứng gió, khói rơm khuếch tán chậm trong không khí sẽ gây tác hại dài ngày; lượng khói thải ra từ đống rơm, rạ cháy tạo nên một lớp mù dày đặc, làm che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông. Ngoài ra, việc đốt rơm, rạ nói riêng và các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp nói chung sẽ làm gia tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gia tăng hiệu ứng nhà kính, gây ra biến đổi khí hậu.
             Từ ngày 25/8/2022, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực. Hành vi đốt rơm rạ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân sẽ bị xử phạt, cụ thể: tại khoản 1, điều 41 của Nghị định quy định: Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính. Thay vì đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng, người nông dân sau khi thu hoạch lúa cần chủ động sử dụng các chế phẩm sinh học để ủ rơm, rạ thành phân bón hữu cơ trả lại cho đất; dùng rơm rạ để trồng nấm, làm nguồn thức ăn cho gia súc (sử dụng trực tiếp cho gia súc hoặc ủ chua để làm thức ăn dự trữ).… Trong trường hợp bà con không có nhu cầu sử dụng rơm rạ thì vẫn có thể thu gom lại thành cuộn hoặc ủ thành phân bón hữu cơ đem bán để tăng thu nhập cho nghề trồng lúa. Khi rơm rạ trở thành sản phẩm hữu ích, việc đốt rơm rạ chắc chắn sẽ được hạn chế.
              Hiện nay, nông dân các địa phương trên địa bàn xã Cẩm Minh đã gần hoàn thiện xong việc thu hoạch lúa, bà con nông dân cần thay đổi thói quen đốt rơm rạ trên đồng ruộng, vì rơm rạ là một trọng những phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp nhưng không phải là phế thải mà cần coi đó là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với nhà nông./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH CẨM XUYÊN
Thống kê: 113.194
Trong năm: 12.065
Trong tháng: 10.334
Trong tuần: 7.026
Trong ngày: 23
Online: 21